Mới đây, vào tháng 8/2016, bộ môn Cơ lý thuyết đã long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập bộ môn. Trải qua 50 năm đồng hành cùng xây dựng trường Đại học Mỏ-Địa chất, bộ môn Cơ lý thuyết đã có đóng góp một phần đáng kể cho sự phát triển của trường.
Trong những ngày lịch sử này, trong tôi dậy lên bao kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên về bộ môn Cơ lý thuyết. Tất cả những điều ấy thôi thúc tôi phải viết một điều gì đó về bộ môn đã gắn liền với tôi trong suốt những năm tháng giảng dạy của mình. Những điều tôi viết ra ở đây, có thể rất bình dị, giản đơn nhưng với riêng tôi, đó là những kỷ niệm đáng nhớ và trân trọng.
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa Toán-Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên), tôi được phân công về giảng dạy tại bộ môn Cơ lý thuyết của Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Thời gian này bộ môn có 06 giảng viên: TS.Nguyễn Lân, PGS.TS Nguyễn Hải, PGS.TS Hoàng Văn Đa ( lúc này thầy Hoàng Văn Đa đang làm NCS tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội), KS. Lê Cơ, KS. Nguyễn Phong và tôi. Trong bộ môn còn TS. Nguyễn Thạc Sỹ đang làm NCS tại Cộng hòa Tiệp khắc. Trường Đại học Mỏ-Địa chất lúc đó đóng tại Mỏ Chè, huyện Đồng hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái nguyên).
Những năm 1980 là thời kỳ cán bộ, công nhân viên và sinh viên trường Đại học Mỏ-Địa chất nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung gặp gian khổ vô cùng. Không chỉ ăn độn trong các bữa cơm hàng ngày, thậm chí, chúng tôi không còn lương thực dự trữ. Có đôi lần, nhà trường phải cho sinh viên nghỉ học vì không có lương thực để nấu cho các em. Gian khó về vật chất là điều thế hệ ngày nay không thể hình dung ra, nhưng tinh thần giảng dạy, nghiên cứu của tập thể bộ môn vẫn rất cao.
Tôi vẫn nhớ, hàng ngày, ngoài giờ giảng dạy trên lớp, các cán bộ đều phải lên bộ môn làm việc. Dù đói khổ, thiếu thốn nhưng ai cũng nhiệt huyết, tận tâm trong các công việc như soạn bài, đọc sách nghiên cứu tài liệu chuyên môn và làm thí nghiệm.
Những ngày đầu tiên tại đây, tôi được giao làm bài tập, soạn bài và đi nghe các thầy trong bộ môn giảng. Những bài giảng của các thầy mà tôi có cơ hội nghe đều rất trong sáng và dễ hiểu đối với sinh viên. Có lẽ, các thầy trong khoa Cơ bản, hay những sinh viên thời kỳ đó được nghe thầy TS. Nguyễn Lân giảng hẳn còn nhớ nét chữ rất đẹp của thầy cùng phương pháp truyền đạt thật dễ hiểu. Những vấn đề khô khan, khó hiểu sẽ trở lên đơn giản, mềm mại và gắn bó mật thiết với thực tế qua cách tiếp cận thầy mang lại. Các thầy PGS.TS nguyễn Hải, PGS.TS Hoàng Văn Đa cũng có những phương pháp giảng dạy rất hấp dẫn và thuyết phục. Được học tập và rèn luyện trong một tập thể như vậy, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích trong giảng dạy và nghiên cứu.
Nhiều đêm trên đất Mỏ Chè, tôi đã được nghe kể biết bao câu chuyện trong tâm tưởng của các thầy về trường, về khoa và về bộ môn. Dù chỉ là những mẩu chuyện tản mát, tôi vẫn có thể hình dung được bao khó khăn, gian khổ mà các thầy đã phải kinh qua.
Qua câu chuyện của các thầy, tôi biết rằng, những năm đầu thành lập, bộ môn chỉ có 2 cán bộ giảng dạy, vì thế trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã phải hỗ trợ thêm 2 cán bộ giảng dạy là GS.TS Nguyễn Văn Đình và GS.TS Vũ Duy Quang để đảm bảo khối lượng giảng dạy mà nhà trường giao cho. Sau đó bộ môn cùng nhà trường đã tuyển thêm cán bộ giảng dạy tốt nghiệp khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giữ lại bộ môn một số sinh viên của trường Đại học Mỏ-Địa chất học xuất sắc về Cơ học rồi bồi dưỡng thêm chuyên môn.
Những năm 60 của thế kỷ trước, do chiến tranh tàn phá, trường Đại học Mỏ-Địa chất phải sơ tán tại Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc ninh ngày nay). Các lớp học phân tán rải rác ở Thuận Thành và một số xã ở Hưng Yên nên việc đi lại để dạy cho sinh viên là điều rất vất vả. Không như ngày nay, phương tiện mà các thầy có chỉ là những chiếc xe đạp cũ kỹ, tồi tàn, săm, lốp vá víu nhiều chỗ. Nhiều khi, các thầy phải chạy bộ đến lớp giảng bài cho kịp giờ.
Trong những năm ở Mỏ Chè, tôi đã được chứng kiến sự hăng say giảng dạy và nghiên cứu của các thầy trong bộ môn. Còn in đậm mãi trong tôi là ký ức những lần các thầy trao đổi bài giảng, hình ảnh miệt mài đọc sách, tính toán tại bộ môn bên ánh đèn dầu mỗi đêm.
Ngoài nghiên cứu lý thuyết, các thầy còn chủ động liên hệ với cơ sở sản xuất bên ngoài để tìm hiểu đề xuất đề tài nghiên cứu. Trong những năm 70, vượt lên sự thiếu thốn về vật chất, các thầy đã nghiên cứu khử rung cho guồng sợi nhà máy dệt 8/3. Tôi cũng vinh dự khi được tham gia nghiên cứu khử rung cho động cơ của nhà máy Z31 cùng với các thầy trong bộ môn. Kết quả thật mỹ mãn, động cơ đã chạy êm như mới. Hồi đó, các thành viên tham gia nghiên cứu đều làm hoàn toàn tự nguyện, không có thù lao nhưng với sự thành công đó, nhà máy đã tặng cho bộ môn 2 chiếc quạt con cóc làm quà. So với thời đại bây giờ, món quà đó quả thực nhỏ bé nhưng đối với chúng tôi lúc đó, đây là món quà lớn và vô cùng vui mừng.
Tới năm 1982, nhà trường đã tuyển sinh khóa 27 vào học tại Hà Nội, đồng thời chuyển các sinh viên khóa 26 từ Thái Nguyên về học tại Hà Nội, tiếp tục giảng dạy. Khi đó, lớp học còn khá sơ sài, đường vào trường gập ghềnh, lầy lội, chỉ có một vệt bánh xe đi. Nhiều buổi, các thầy lên lớp phải xắn quần lội qua.
Tranh thủ các ngày chủ nhật, thầy trò cùng nhau lao động, công việc thường là chở xỉ, gạch vỡ để đường đi đỡ lầy lội hơn. Ai đã từng đến trường Mỏ tại Hà Nội thời kỳ đó hẳn còn nhớ cảnh không điện, không nước mà các thầy và sinh viên phải gắn bó hàng ngày. Nước dùng cho sinh hoạt là nước giếng đào, nhưng giếng cũng chỉ có rất ít nước, phải dùng ống bơ sữa bò mới có thể lấy thêm mà nước thì đục ngầu do lẫn bùn đất. Thầy trò phải đánh phèn mới có thể sử dụng được. Sống và sinh hoạt trong hoàn cảnh như vậy ai cũng đều vui vẻ, lạc quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sinh hoạt văn nghệ, thể thao vẫn vô cùng sinh động và hiệu quảvà chúng tôi luôn tin vào một tương lai sán lạn.
Trong thời gian này, tập thể bộ môn vẫn chủ động động viên, định hướng nghiên cứu. Nhờ đó, nhiều công trình của các thầy cô trong bộ môn Cơ lý thuyết được đăng trên tạp chí Cơ học và một số tạp chí khoa học ở nước ngoài.
Với quyết tâm gắn nghiên cứu khoa học với thực tế, bộ môn đã chủ động tìm hiểu và thực hiện đề tài khử rung cho quạt hút gió tại Công ty than Khe Chàm. Kết quả này đã được Công ty than Khe Chàm đánh giá rất cao. Ngoài ra, bộ môn còn tham gia kiểm định cầu cùng với Viện Khoa học Kỹ thuật giao thông vận tải.
Cho đến tận hôm nay, truyền thống của bộ môn vẫn luôn được tập thể cán bộ gìn giữ và phát huy. Ngoài công tác giảng dạy, bộ môn luôn định hướng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Với 6 cán bộ giảng dạy, trong đó có 2 Tiến sĩ và 3 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh, bộ môn đã đủ khả năng mở ngành đào tạo về Cơ điện tử. Vì thế, hiện tại, bộ môn đang xúc tiến việc mở ngành Cơ điện tử với hy vọng bộ môn sẽ có những bước tiến mới.
Trong 50 năm qua, đồng hành cùng nhà trường trong việc đào tạo cho đất nước những kỹ sư Mỏ, Địa chất, Trắc địa, Dầu khí…,bộ môn Cơ lý thuyết đã có những đóng góp đáng trân trọng. Ngoài công tác giảng dạy, trong nửa thế kỉ qua, các thầy cô trong bộ môn còn đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu, đăng tải hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và ở các nước như Anh, Nga, Đức, Nhật, Rumani… Những kết quả đó đã tạo nên thương hiệu cho bộ môn và cũng góp phần tạo nên thương hiệu của nhà trường.
Trong không khí hân hoan cùng những hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Mỏ-Địa chất, tôi lại nhớ về những tháng ngày khó khăn, vất vả của thầy và trò bộ môn trong suốt 50 năm đồng hành cùng nhà trường. Tôi viết những dòng này với mong muốn trân trọng những thành quả, công sức của các thầy thế hệ trước, những người đã hết mình làm việc, học tập, phấn đấu cho bộ môn và cho trường Đại học Mỏ-Địa chất. Chúng tôi mong rằng, khi đọc những dòng này, bạn bè đồng nghiệp thêm hiểu về bộ môn Cơ lý thuyết, về tập thể cán bộ và quá trình hình thành, phát triển của bộ môn. Tập thể bộ môn Cơ lý thuyết sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục nghiên cứu đạt nhiều thành tích hơn nữa để xây dựng bộ môn vững mạnh, có thương hiệu, góp phần xây dựng trường Đại học Mỏ-Địa chất phát triển bền vững.
01.10.2016