Ra đời trong khói lửa chiến tranh để chuẩn bị cho tương lai hoà bình
Vào một ngày đẹp trời, ngày 8/8/1966, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở tách khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Lúc này chiến tranh đã lan ra cả miền Bắc. Không quân Mỹ đánh phá cả ngày lẫn đêm, cả ở thành phố lẫn làng mạc trên dải đất hình chữ S. Trong khói lửa chiến tranh, những người cán bộ đầu tiên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất vẫn bắt tay tạo dựng ngôi trường còn non trẻ. Vẫn còn nhớ, địa điểm đầu tiên – được gọi là nơi sơ tán của thầy trò trường Mỏ nằm ở huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay).
Thuộc tầng lớp cựu sinh viên thời đó, giờ đây, nhiều người đã thành đạt, đều đã ở độ tuổi xế chiều. Nhớ lại những năm tháng gian khổ cùng ngôi trường Mỏ-Địa chất, cùng đất nước, chúng tôi tin rằng, ngay trong chiến tranh, các vị lãnh đạo đất nước thời đó đã có tầm nhìn xa, mở trường đại học trong gian khó để chuẩn bị cho việc xây dựng lại đất nước khi hoà bình.
Khoa Khoa học cơ bản luôn tự hào là khoa có nhiều sinh viên nhất
Nửa thế kỷ miệt mài đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất ghi nhận con số 50.000 kỹ sư Mỏ, Địa chất, Trắc địa, Dầu khí, Cơ điện, Xây dựng, Quản trị doanh nghiệp, Công nghệ thông tin đã được cấp bằng.
Và khoa Khoa học cơ bản từ khi mới ra đời chỉ vỏn vẹn có 25 cán bộ, đến nay, con số đó đã gấp 4 lần cùng 7 bộ môn đào tạo. Khoa Khoa học Cơ bản có quyền nói và tự hào khi là khoa có số lượng sinh viên lớn nhất trong trường – 50.000 sinh viên.
Không quản lý một lớp nào, không có ai làm chủ nhiệm lớp nhưng các thầy cô khoa Khoa học cơ bản đã dạy tất cả các thế hệ sinh viên của trường ngay từ những ngày các bạn chập chững bước vào cánh cửa đại học. Nhớ lại những ngày đầu ngồi trên giảng đường đại học, chúng tôi đã từng coi những môn học thuộc khoa học cơ bản như toán, lý, hoá, hình hoạ, cơ lý thuyết, ngoại ngữ như cửa ải thực sự. Đã có những lúc, những môn học ấy làm cho giấc ngủ sinh viên không còn tròn căng như tuổi đôi mươi vốn có.
Hành trang mang theo cả cuộc đời
50.000 sinh viên được đào tạo dưới mái trường Mỏ - Địa chất, giờ đây đã trở thành 50.000 kỹ sư, cử nhân làm việc và cống hiến trong các lĩnh vực khác nhau tại nhiều nơi trên khắp miền đất nước. Để trở thành những kỹ sư, cử nhân có đầy đủ phẩm chất và chuyên môn như ngày hôm nay, không thể không kể tới hành trang, vốn trí thức đầu tiên mà chúng tôi có trong trường đại học, đó chính là khối kiến thức về khoa học cơ bản.
Chính nhờ các môn học ấy, chúng tôi có thêm vững vàng để tiếp tục theo đuổi các môn chuyên ngành, tạo cơ sở để làm các công việc kỹ thuật sau này. Nếu có một thống kê, chúng tôi tin rằng, sinh viên giỏi những năm đầu, cũng sẽ giỏi ở những năm cuối, và chắc chắn cũng sẽ là những kỹ sư giỏi ở tương lai. Nguyên lý nhân quả đúng trong thống kê này. Ngoại lệ cũng có, nhưng có lẽ không nhiều.
Hai vị chủ nhiệm khoa đặc biệt
Chủ nhiệm khoa Khoa học cơ bản đầu tiên – Trưởng ban Cơ bản như tên gọi ngày xưa – là Kỹ sư Mỏ Lê Văn Hiện. Ông là người con miền Nam tập kết ra Bắc, đã dành trọn cả cuộc đời mình để đóng góp, cống hiến cho ngôi trường Mỏ - Địa chất trên đất Bắc, khi khoa Khoa học cơ bản vừa chỉ ra đời.
Vị chủ nhiệm khoa thứ hai là Nhà giáo Nhân dân, Kỹ sư Đặng Xuân Đỉnh. Ông cũng là Kỹ sư Mỏ - hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Có lẽ, Ban Cơ bản có vị thế quyết định chất lượng phát triển của trường, nên hai vị chủ nhiệm khoa đầu tiên đều là những người đặc biệt, những người có thể làm xoay chuyển tình thế.
50 năm, đã có nhiều thế hệ chủ nhiệm khoa Khoa học cơ bản, thế hệ sau thường có học hàm, học vị cao, có chuyên môn phù hợp, nhưng những cựu sinh viên chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn chân thành về hai người kỹ sư Mỏ đã làm Chủ nhiệm Khoa Khoa học Cơ bản thời kỳ đầu đầy thách thức.
Hai người thầy của sinh viên nhiều trường đại học
Chúng tôi đều biết rằng, sinh viên của tất cả các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam, trong những thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước đều học hai giáo trình: Lý đại cương và Hoá đại cương giống nhau.
Thật tự hào khi hai giáo trình đó đều do hai người thầy của khoa Khoa học Cơ bản, Đại học Mỏ - Địa chất biên soạn. Giáo trình Lý đại cương được biên soạn bởi thầy Dư Trí Công, vị chủ nhiệm Khoa học Cơ bản (1971-1976) và Giáo trình Hoá đại cương do PGS. TS. NGƯT Kiều Dinh, vị chủ nhiệm Khoa học Cơ bản (1976-1981) biên soạn.
Xuyên suốt những thập kỷ ấy, tất cả sinh viên tại các trường đại học kỹ thuật Việt Nam đều biết đến sự uyên bác và được học những kiến thức giá trị mà hai người thầy mang lại. Hơn thế nữa, sau này, cũng chính họ là những người đã mang kiến thức vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đem đến cho những sinh viên đại học tận châu Phi xa hàng ngàn ki lô mét.
Khi thầy giáo là kiện tướng quốc gia
Trường Đại học Mỏ - Địa chất, trong nhiều chục năm không chỉ đào tạo kỹ sư mà còn “đào tạo” một đội bóng rổ hạng A miền Bắc, một đội bóng chuyền có thứ hạng quốc gia. Nòng cốt của hai đội bóng này là các thầy của Bộ môn Thể dục Thể thao (Bộ môn Giáo dục Thể chất bây giờ).
Các cựu sinh viên chúng tôi luôn biết ơn họ vì đã mang đến cho đời sinh viên gian khó những màu sắc tươi mới hơn và món ăn tinh thần ý nghĩa. Chúng tôi vẫn nhớ và ấn tượng với các cầu thủ bóng rổ thời đó của trường, cao to, đẹp trai và có lối chơi thông minh khi thi đấu, hay những cầu thủ bóng chuyền đều là tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân trên bục giảng. Trong số họ có cả những người được phong là kiện tướng thể dục thể thao quốc gia. Trong số đó, hẳn ít ai quên được một vị trọng tài uy nghiêm, bài bản, cầm cân nảy mực cho nhiều trận bóng – NGƯT, GS. TSKH ngành Toán - Lê Ngọc Lăng. Hiển nhiên, thầy là người làm toán xuất sắc và dạy toán chuyên nghiệp bậc cao. Nhưng đó chưa phải là tất cả, thật may mắn, chúng tôi còn được thấy ông là một trọng tài rất chuyên nghiệp.
Những cánh hoa tươi lớn lên từ sỏi đá
Nhiều người nghĩ rằng, làm nghề Mỏ - Địa chất thì khô khan lắm, ngoài đá, sỏi, dầu, có lẽ chẳng còn biết gì khác trên đời! Nhưng chúng tôi, những con người vinh dự được học, đã trọn đời cống hiến với nghề Mỏ - Địa chất mới có cơ hội nhận ra những điều ngược lại.
Người làm nghề Mỏ chúng tôi vẫn thích, vẫn yêu những điều thi vị, mà thiếu nó tâm hồn dường như trở lên khô héo và cằn cỗi như thơ ca, nhạc, họa. Có thể nhiều người đã biết, chính tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhiều nhạc sỹ có tên tuổi của làng nhạc Việt hôm nay như Nguyễn Cường, Nhất Mai, Trương Quý Hải đã được sinh ra và trưởng thành.
Không chỉ vậy, các cựu sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất vẫn còn nhớ đến khắc khoải giọng nữ trầm hiếm có của ca sỹ Thuỳ Dương; trên giá sách của nhiều cựu sinh viên vẫn còn tuyển tập tranh của thầy giáo hình hoạ, hoạ sỹ Trương Thảo. Những con người hết lòng vì nghệ thuật ấy luôn đọng lại trong tâm trí chúng tôi một niềm yêu mến và cảm phục vô bờ, giống như khi nhìn thấy những cánh hoa tươi, rạng rỡ lớn lên từ sỏi đá.
Trường Đại học Mỏ - Địa chất sau 50 năm nữa
Sau 50 năm nữa, khi trường tròn 100 tuổi, chắc hẳn rằng nhóm chúng tôi - những cựu sinh viên các khoá đầu tiên của ngôi trường thân yêu này đã thành người thiên cổ. Những dòng ký ức mà chúng tôi đang viết, đang ôn lại hôm nay đây đã trở thành lưu bút. Chúng tôi, ngay từ bây giờ đã có những suy tư về tương lai của nhà trường – nơi mỗi người gửi gắm tình yêu thương suốt bao năm qua, từ khi còn là những cô cậu học trò trên giảng đường cho tới tận ngày hôm nay.
Khoảng 10 năm trở lại đây, phạm vi công việc của những người làm nghề Mỏ - Địa chất ở nước ta có xu hướng thu hẹp lại. Dù không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận rằng: tài nguyên khoáng sản của đất nước đã được phát hiện và khai thác đến mức gần như cạn kiệt. Chúng ta bị cạnh tranh ngay chính trên đất nước mình mà sức cạnh tranh của bản thân còn rất hạn chế. Chúng ta muốn vươn ra ngoài biên giới để làm nghề nhưng tài lực, trí lực còn rất nhỏ. Kỹ sư, cử nhân của trường Đại học Mỏ - Địa chất mới ra trường, chưa đủ kĩ năng, kinh nghiệm còn khó tìm việc làm.
Trong khi khoa học, công nghệ thế giới phát triển với tốc độ chưa từng có thì Việt Nam lại tiếp thu và làm chủ công nghệ với tốc độ chậm chạp. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực khoa học, công nghệ Mỏ - Địa chất cũng không có gì sáng hơn bức tranh chung này cả.
Sức mạnh của một trường Đại học được quyết định bởi danh tiếng của những người thầy. Sức hấp dẫn của một trường Đại học được đánh giá bởi sự thành đạt của những cựu sinh viên. Điều đáng tiếc là, so với ngày xưa, số lượng các giáo sư, phó giáo sư đang làm việc tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang ít đi.
Để 50 năm nữa, khi nhà trường kỷ niệm tròn 100 tuổi, không hổ thẹn với quá khứ 50 năm đã qua, một sự đổi mới quyết liệt là vô cùng cần thiết và tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên đang làm việc, cống hiến tại ngôi trường Mỏ - Địa chất phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
Nhìn lại để thấy rằng quá khứ hào hùng của 50 năm đã qua chính là điểm tựa vững chắc để công cuộc đổi mới có thể diễn ra suôn sẻ. Quá khứ đáng tự hào của 50 năm đã qua cũng là mệnh lệnh bắt buộc khởi xướng công cuộc đổi mới và chắc chắn sẽ đổi mới thành công. Chúng tôi tin tưởng vào một tương lai như vậy!
Lời tri ân của các cựu sinh viên
Thưa các thầy giáo, các cô giáo nhiều thế hệ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất!
Năm mươi ngàn kỹ sư, cử nhân đã tốt nghiệp tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất xin bày tỏ sự thành kính, biết ơn sâu sắc nhất tới các Thầy, các Cô – những người đã không quản khó khăn, vất vả, dành cả cuộc đời để chèo lái những con thuyền, đưa bao thế hệ sinh viên tới bến bờ mơ ước.
Những cựu sinh viên chúng tôi cũng biết ơn cuộc đời đã ban cho chúng tôi những năm tháng đèn sách miệt mài, nhiều kỷ niệm tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Đó là những năm tháng hạnh phúc và không thể nào quên trong ký ức của những cựu sinh viên dưới mái trường Mỏ - Địa chất.
01.09.2016