Những người thầy đáng kính trong bộ môn Toán của tôi!

26/10/2016

Còn nhớ, cách đây 15 năm, tôi mới là cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, được nhận về công tác tại bộ môn Toán của trường. Ngày ấy, được phân công giảng dạy tại Khoa, đối với gia đình cũng như cho bản thân tôi, đó là niềm hạnh phúc và vinh dự vô cùng lớn.

Còn nhớ, cách đây 15 năm, tôi mới là cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, được nhận về công tác tại bộ môn Toán của trường. Ngày ấy, được phân công giảng dạy tại Khoa, đối với gia đình cũng như cho bản thân tôi, đó là niềm hạnh phúc và vinh dự vô cùng lớn.

Tôi vẫn còn nhớ nguyên ngày đầu đến trình diện với bộ môn, tôi - một cô gái nhỏ bé, mang biết bao bỡ ngỡ, rụt rè không khỏi cảm giác lo lắng, thậm chí có phần sợ hãi. Bước chân vào bộ môn, thoáng nhìn cả căn phòng rất đông người vì đang đúng đợt chấm thi học kỳ, tôi lúc đó dường như choáng ngợp.

Căn phòng bên nhà B lúc bấy giờ có phần hơi chật với vài chiếc máy tính đời 586, một dãy bàn ghế gỗ, xếp nối dài ở giữa phòng để các thầy cô cùng ngồi làm việc và chấm thi, giấy được xếp rất nhiều trên bàn và cả ở dưới sàn nhà. Sau này, tôi mới biết, khi chấm thi, các thầy hay bỏ luôn đề thi ra để chấm cho “nhanh”.

Tôi bẽn lẽn chào các thầy và dần tiến vào phía trong, nhìn quanh khắp lượt mới thấy một “đồng minh phái nữ” của mình, là chị Hằng, đang ngồi tận phía trong cùng. Mặc dù đã biết trước rằng Bộ môn hiện tại chỉ có một nữ, và tôi sẽ là cô giáo thứ hai, nhưng cảm giác lúc đó của tôi vẫn thật lạ lẫm, vì thầy giáo đông quá, mà các thầy lại đang bàn luận về đề thi và đáp án rất gay gắt!

Ngay lập tức, sau màn chào hỏi và giới thiệu, tôi được thầy Mẫn - trưởng bộ môn - giao cho nhiệm vụ đầu tiên với lời đề nghị: “Hương làm đáp án cho bác đề thi này!”. Tôi thoáng chút giật mình vì không có sự chuẩn bị trước, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh, cầm tờ đề thi và giấy nháp, tìm một góc bàn để giải bài. Trong lúc đó, các thầy cô vẫn đang tiếp tục chấm thi, tranh luận và khi giải lao lại bàn đủ thứ chuyện về chính trị, văn thơ rất hay và rất lạ đối với tôi.

Đề thi không quá khó nên tôi không gặp vướng mắc và nhanh chóng hoàn thành đáp án của mình. Thầy Mẫn xem bài của tôi và tỏ ý hài lòng: “Tốt, đề cho sinh viên thi thì thầy cô chỉ được giải xong trong 1/3 đến 1/2 thời gian là đạt yêu cầu cả về người ra đề và làm đáp án”.

Tôi nghe xong thở phào nhẹ nhõm, lúc ấy mới dám chú ý lắng nghe câu chuyện mà các thầy đang bàn luận rất vui vẻ. Cũng từ lúc ấy, tôi đã cảm thấy trong mình một tình cảm gắn bó, yêu quý và khâm phục các thầy cô lắm! Tôi thầm hứa sẽ luôn cố gắng hết mình để xứng đáng là một giảng viên, góp phần làm cho bộ môn luôn đoàn kết, vững mạnh.

Trong một năm đầu tiên, tôi được các thầy trong bộ môn giao nhiệm vụ trợ giảng, công việc chủ yếu là dự giờ, chữa bài tập và soạn giáo án. Cho tới giờ, tôi vẫn không thể nào quên lần được dự giờ dạy của thầy Lê Ngọc Lăng. Thầy dẫn tôi vào lớp cùng, tôi tìm được một chỗ ngồi cuối lớp với các em sinh viên. Mới ra trường, trông tôi lúc đó cũng chẳng khác sinh viên là mấy, nên thầy đã nhanh chóng giới thiệu tôi với cả lớp. Sau lời giới thiệu từ thầy, tôi rất vui vì được nhận luôn một tràng pháo tay khích lệ.

Thầy bắt đầu vào bài giảng. Tôi ấn tượng ngay bởi chữ viết thầy rất đẹp, phần trình bày trên bảng rất khoa học và dễ nhìn. Tôi cẩn thận ghi chép, ghi lại cả chú thích, cả cách viết, cách nói, cách trình bày trên bảng của thầy. Buổi hôm đó, thầy giảng về “ Tích phân suy rộng” - một phần kiến thức mới so với phần tích phân mà các em đã được học ở lớp 12.

Tôi cùng cả lớp say sưa với lời dẫn dắt và những hình vẽ nhằm giải thích rất trực quan sinh động của thầy. Kiến thức của thầy rất uyên thâm, nhưng bài giảng của thầy lại rất đơn giản từ những ví dụ và lời giải thích. Phong cách dạy rất nhẹ nhàng nhưng dễ đi sâu, dễ hiểu đối với người nghe khiến tôi vô cùng ấn tượng và ngưỡng mộ.

Sau buổi dự giờ, thầy có nói với tôi bài học mà tôi luôn ghi nhớ trong suốt 15 năm qua: “Mình là thầy, biết 10 phần nhưng chỉ dạy 1, 2 phần thì mới thuyết phục được học trò. Biết nhiều nhưng khi dạy thì phải đặt vị trí mình vào người học thì dạy mới dễ hiểu và hay được”. Tôi như ngấm từng lời dạy của Thầy và thầm nghĩ ngay đến việc sẽ phải đọc thêm nhiều sách để kiến thức được vững và chắc hơn nữa. Trong khi giảng bài, nếu thêm được các câu chuyện vui đan xen giống như thầy thì chắc chắn buổi học sẽ rất thú vị. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ lại quyển vở ghi chép đầu tiên ấy của mình, và cả cuốn sách do thầy làm chủ biên, viết đề tặng tôi từ ngày ấy.

Thời gian trôi thật nhanh, thoáng chốc, tôi đã công tác tại trường đến hơn chục năm. Các thầy tôi gặp kể từ lần đầu đó cũng đã lần lượt về hưu cả. Mỗi người thầy, mỗi tính cách riêng, mỗi cách giảng dạy riêng nhưng trong lòng tôi luôn thấy yêu quý và trân trọng.

Tôi vẫn nhớ tới thầy Lê Ngọc Lăng với kiến thức uyên bác và phong cách làm việc rất chuẩn mực. Thầy Nguyễn Quang Tuệ với tuy ít nói nhưng hết lòng yêu quý đồng nghiệp. Thầy Phạm Quang Phúc có sở thích và biệt tài chụp ảnh rất đẹp. Thầy Đặng Công Thành lại có tác phong “công đoàn” rất hiền. Thầy Nguyễn Minh Mẫn gây ấn tượng với phong cách lãnh đạo rất chuyên nghiệp và tâm huyết. Thầy Mai Đình Nội có giọng ca truyền cảm và biệt tài nấu nướng, thích chăm sóc cho mọi người. Thầy Nguyễn Quốc Khánh với nhiều tài lẻ, khiến ai cũng ngưỡng mộ về phong cách kể chuyện hài dí dỏm và nhớ mãi thầy với các “biệt danh” thầy đặt riêng cho từng cán bộ trẻ thế hệ về sau. Nói tới thầy Đoàn Hữu Giám là nhớ tới người thầy có giọng cười khà khà, rất sẵn lòng giúp đỡ cán bộ trẻ. Thầy Trương Mạnh Hùng hay kể cho sinh viên nhiều câu chuyện về Đông Tây kim cổ, rất tình cảm nhưng cũng rất dễ nổi nóng và quên cũng rất nhanh. Thầy Lê Minh Triết được mọi người nhớ tới với dáng đi thong thả và cách sống giản dị, khiêm nhường.

Tất cả các thầy, dù năm tháng qua đi, tóc đã bạc, tuổi đã nhiều thêm, nhưng luôn “sống” vì bộ môn, luôn quan tâm và dõi theo bộ môn trong từng bước phát triển.

Mỗi lần nghĩ đến những kỷ niệm đã qua ấy, tôi như thấy dường như đó chỉ là khoảnh khắc của ngày hôm qua, và tôi luôn mong trở lại thành cô sinh viên mới tốt nghiệp ngày nào, được những người thầy đáng kính tận tình chỉ bảo. 15 năm gắn bó, từng ngày trôi qua, tôi càng thấy thêm yêu bộ môn Toán của mình.

Tôi biết rằng, “tre già, măng mọc”, đó là quy luật của tự nhiên, các thầy do tuổi tác, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức tới các thế hệ học sinh nhưng “ngọn lửa truyền thống tốt đẹp” của bộ môn Toán vẫn luôn được thắp sáng và tiếp nối. Tôi tin là mãi mãi như vậy!

                   28.08.2016

Nguyễn Thị Lan Hương, bộ môn Toán, khoa Khoa học Cơ bản